- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
15 năm trước, khi Văn Quyến bán độ, HLV Alfred Riedl phản ứng ra sao?
HLV Alfred Riedl đã rất đau lòng khi nhắc tới nhóm cầu thủ U23 Việt Nam bán độ tại SEA Games 2005 trên đất Philippines. Ông tiếc nuối khi đó là những tài năng thực sự, nhưng luôn phê phán họ vì làm điều sai trái.
Ở vòng đấu bảng, ĐT Việt Nam chỉ phải gặp những đối thủ được đánh giá yếu hơn là Singapore, Lào, Myanmar, Indonesia. Ngôi đầu bảng được cho là khó thoát khỏi đội bóng của HLV người Áo. Quả thật vậy với 4 chiến thắng ĐT Việt Nam thẳng tiến vào bán kết. Tại bán kết, không có quá nhiều khó khăn để vượt qua Malaysia và tiến đến trận đấu cuối cùng của giải đấu. Thật bất ngờ khi với 5 trận toàn thắng từ đầu giải đấu, ĐT Việt Nam đã thảm bại 0-3 trước ĐT Thái Lan.
Sau khi về nước, tin đồn U23 Việt Nam dàn xếp tỷ số rộ lên. Và sau quãng thời gian đấu tranh khai thác, hai kẻ chủ mưu là Văn Quyến và Quốc Vượng đã thừa nhận có tổ chức bán độ. Không phải ở trận chung kết mà từ trận đấu thứ 3 tại vòng bảng với Myanmar.
Các cầu thủ đã tổ chức bán độ bao gồm: Lê Quốc Vượng, Trần Hải Lâm, Lê Văn Trương, Châu Lê Phước Vĩnh, Huỳnh Quốc Anh, Lê Bật Hiếu, Văn Quyến. Họ đã tổ chức bàn bạc dàn xếp trận đấu với Myanmar trước ngày bóng lăn, có kêu gọi cả Tài Em, Công Vinh vào tham gia chung nhưng 2 cầu thủ trên đã từ chối vì đây là hành động trái với đạo lý.
Chính Tài Em là người đã âm thầm báo cáo với cán bộ theo Đoàn khi đó là ông Lê Thụy Hải và ông Trần Hùng Cường về vụ việc. Ngay lập tức 2 vị trợ lý của U23 Việt Nam đã điện thoại cho lãnh đạo VFF để xin biện pháp xử lý, và cuối cùng thống nhất là sẽ giữ kín cho đến khi đội tuyển về nước nhằm tiện xem xét vụ việc.
Do cả trợ lý Lê Thụy Hải và trưởng đoàn Trần Hùng Cường đều không có báo cáo gì, nên HLV Alfred Riedl không hề hay biết, mà chỉ tin rằng, các học trò của mình thua Thái Lan là do bị khớp tâm lý và thi đấu dưới phong độ. Chỉ khi về nước, khi phía công an công bố các bằng chứng tuyển thủ U23 Việt Nam bán độ, nhà cầm quân người Áo mới ngã ngửa.
Khi biết một loạt các học trò cưng như Văn Quyến, Quốc Vượng lừa dối mình, tham gia bán độ, HLV Alfred Riedl rất thất vọng. Ông tiếc nuối khi đó là những tài năng thực sự, nhưng luôn phê phán họ vì làm điều sai trái.
"HLV nào càng có nhiều thời gian chơi bóng với tư cách là cầu thủ thì sẽ có nhiều bài học xương máu để truyền lại cho học trò. Tôi cũng vậy. Thật đáng buồn khi một số cầu thủ Việt Nam chẳng thèm nghe ai cả. Họ có thái độ đặt tiền bạc lên trên hết nhưng tiền không phải là tất cả. Tiền đúng là quan trọng thật, nhưng nó đồng thời cũng có thể giết chết sự nghiệp của một cầu thủ nếu anh ta bị chứng minh là bán độ.
Bản thân tôi cũng kiếm tiền từ chính cái sở thích đá bóng của mình, nhưng rất trong sạch. Tôi đã nói với họ rằng không nên liều mạng với nghề nghiệp, tên tuổi và gia đình họ. Họ sẽ mất tất cả nếu họ bán đứng niềm tự hào của Tổ quốc, bán đứng Việt Nam chỉ vì vài chục nghìn USD", HLV Alfred Riedl trao đổi với PV báo Công An Nhân Dân hồi năm 2005.
"Họ đã bán độ, thật không thể tượng tưởng nội. Đó là một hành động vi phạm pháp luật và rồi sẽ chẳng ai dung thứ. Họ thật sự xuẩn ngốc khi làm như vậy, bởi đó là một thời điểm nhạy cảm, khi chiến dịch chống tiêu cực đang ở giai đoạn cao trào nhất. Tôi nghĩ là họ kiếm được bộn tiền qua vụ này. Tiền đã làm cho họ lóa mắt. Có ai không mong có được nhiều tiền đâu, nhưng nếu để bán đứng danh dự như vậy thì thật là điên rồ.
Nói thật, sau khi nghi án bị cơ quan điều tra khui ra, tôi lại cảm thấy mừng vì Việt Nam đã đoạt HCB. Có quá nhiều vấn đề vô hình mà tôi không thể kiểm soát được, nó cũng giống như cái cảm giác vợ anh đi lòng thòng với một ai đó và anh là người cuối cùng biết được điều này, dù cả thiên hạ đã ầm ầm bàn tán điều này trước đó. Anh là người thông minh, nhưng nhiều khi cái sự thông minh không ứng nghiệm trong trường hợp này. Nói chung, cái kim trong bọc lâu ngày rồi cũng lòi ra thôi.
Tôi biết thông tin rằng các trợ lý người Việt Nam có biết vấn đề gì đó từ cầu thủ, nhưng họ không nói với tôi. Thật tệ là họ không trực tiếp trao đổi với tôi. Và thay vì thẳng thắn nói với tôi thì họ lại đi nói với ông Thọ.
Đáng nhẽ họ nên bàn với tôi thì dẫu sao tôi cũng thực hiện một biện pháp gì đó. Chứ thực tế, họ có làm được gì để ngăn chặn đâu. Nếu có thông tin về bán độ, HLV trưởng có quyền không cho nhóm cầu thủ đó ra sân, mà sẽ thay bằng các cầu thủ khác, cho dù sức mạnh sẽ sứt mẻ ít nhiều. Chúng tôi có hơn 20 cầu thủ cơ mà".
Khi hay tin HLV Alfred Riedl mất, cựu tuyển thủ Lê Quốc Vượng, người từng nằm trong nhóm cầu thủ "dính chàm" tại SEA Games 2005, bày tỏ sự tiếc thương. Nhận được tin đúng vào thời điểm đang dùng bữa tối, Quốc Vượng nghẹn ngào giữa chừng. Trả lời phóng viên Dân Việt về người thầy năm xưa, Quốc Vượng bồi hồi:
"Tôi rất buồn khi biết tin thầy Riedl ra đi mãi mãi. Dù thầy là người nước ngoài nhưng không chỉ tôi mà nhiều cầu thủ và cả người hâm mộ Việt Nam luôn dành cho ông tình cảm đặc biệt".
Quốc cũng nhớ lại kỉ niệm mà anh không thể quên về ông Riedl: "Trong một lần thi đấu ở Hàn Quốc, lúc đi ăn buffet, đi qua chỗ khay đựng bánh mỳ, tôi lấy tay bốc bỏ vào đĩa của mình. Thầy Riedl nhìn thấy liền chỉ tôi rằng có cái gắp và nên dùng cái đó cho đúng phép lịch sự và vệ sinh. Chỉ là chỉ bảo nhỏ ngoài sân cỏ nhưng đến giờ tôi vẫn nhớ mãi".
"Về sau khi có lần gặp ông Riedl sau sai lầm tuổi trẻ hồi 2005, lúc đó ông làm HLV ở Hải Phòng, tôi có tâm sự thì ông nói mọi chuyện đã qua, quan trọng là chúng ta phải biết đứng lên và làm lại. Đó cũng chính là động lực cho tôi trong những năm tháng từ đó đến giờ".
Nhận xét
Đăng nhận xét